Bệnh truyền nhiễm và sức đề kháng của trẻ

Những ca bệnh tay – chân – miệng và sốt xuất huyết đang chiếm lĩnh phần lớn các tiêu đề về sức khỏe trên các phương tiện truyền thông và chiếm số đông giường bệnh tại các bệnh viện nhi khoa. Điều này có nghĩa là những căn bệnh truyền nhiễm đang gia tăng chăng? Câu hỏi các bậc cha mẹ đặt ra là làm thế nào để giúp cho con của mình luôn được khỏe mạnh?

Cách đây 7 năm, 4 đứa trẻ đã tử vong sau khi nhiễm phải Enterovi rút 71, vi rút này là nguyên nhân gây ra các bệnh tay – chân – miệng, từ đó các bậc cha mẹ và thầy cô giáo trong trường mầm non rất cảnh giác vì sự có mặt của một căn bệnh gây chết người tiềm ẩn.

Năm nay, mặc dù y tế trong cộng đồng đã ý thức về sự gia tăng của những bệnh truyền nhiễm và tập trung vào khâu vệ sinh, nhưng bệnh tay – chân – miệng vẫn cướp đi sinh mạng của một em bé 3 tuổi vào tháng 8 và hơn 17.000 ca bệnh tay – chân – miệng đã được chẩn đoán kể từ tháng 7.

Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Ảnh: Inmagine

Hàng ngàn trẻ khác cũng bị sốt xuất huyết, trung bình cứ mỗi tháng có 24 trường hợp mới được phát hiện mắc bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra, đa số các bệnh nhân đều bị sốt và phát ban.

Có những chủng vi rút đã chuyển sang thể nguy hiểm hơn, hay hệ miễn dịch của con cháu chúng ta đang yếu dần vì cuộc sống ngày càng hiện đại và ô nhiễm.

Trái ngược với ý kiến thông thường rằng trẻ em ngày nay không khỏe mạnh như những thế hệ trước bởi môi trường hiện đại đang cằn cỗi, BS. TS. Irene Chan, cố vấn khoa nhi của phòng khám nhi khoa iKids, thành viên của tổ chức chăm sóc sức khỏe Thái Bình Dương, khẳng định: “Sự bùng phát của tay – chân – miệng và bệnh số xuất huyết trong thời gian gần đây không liên quan đến sự miễn dịch của trẻ bị suy yếu”.

Các bác sĩ nhi khoa cho biết, những dịch bệnh này đã hoành hành và gây tử vong từ cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, chắc chắn hiện nay, cha mẹ và thầy cô giáo cũng đã am hiểu nhiều hơn về bệnh tật, xã hội cũng quan tâm hơn, điều này giải thích vì sao các biện pháp phòng ngừa được tăng lên rất nhiều và vì thế các căn bệnh truyền nhiễm cũng được nói đến nhiều hơn. Lối sống của trẻ em cũng đang thay đổi, ô nhiễm môi trường cùng với vi rút mang bệnh liên tục thách thức hệ miễn dịch của trẻ.

Lối sống cộng đồng và bệnh truyền nhiễm

Trẻ em đang  thụ hưởng một lối sống cộng đồng nhưng mức độ kết nối trong giao tiếp gia đình và xã hội ngày càng trở nên ít hơn. Các bác sĩ nhi khoa nhận xét rằng ngày nay các cha mẹ phải đi làm kiếm tiền nên trẻ phải đến nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo sớm hơn, thậm chí mỗi ngày cha mẹ chỉ được gặp con có vài tiếng đồng hồ. Và cũng do thu nhập nhiều hơn nên cha mẹ cho trẻ học nhiều hơn, tham gia các lớp học nâng cao, học thêm, lớp ngoại khóa… vì thế trẻ bị đặt vào tình thế nhiều nguy hiểm với nhiều loại vi khuẩn và vi rút khác nhau. Khi trẻ học hành căng thẳng thì hệ miễn dịch của trẻ cũng bị suy yếu đi.

TS. Liew Woei Kang, cố vấn cùng cộng tác của Khoa Thấp khớp, miễn dịch học và dị ứng nhi khoa tại bệnh viện phụ nữ và trẻ em KK nhận xét: “Thông thường, trẻ em mắc bệnh truyền nhiễm từ bạn bè ở trường. Và hơn thế nữa sự truyền nhiễm này cứ kéo dài mãi vì cha mẹ lo lắng chuyện học hành của con nên đã cho những đứa trẻ bị bệnh quay lại trường học trước khi chúng bình phục hẳn”.

BS. TS. Low Kah Tzay, cố vấn khoa nhi của bệnh viện nhi khoa quốc tế Anson, đồng ý rằng: “Không có gì lạ khi chẩn đoán một trẻ mắc nhiều hơn một loại bệnh truyền nhiễm tại một thời điểm”.

TS. Low cho biết, những loại vi rút ngày càng trở nên phức tạp làm ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và tình hình trở nên đáng lo ngại khi vi rút tiếp tục phát triển và biến đổi, một số xuất hiện trở lại theo những chiều hướng mới vào mỗi năm. Hệ miễn dịch của trẻ cần sự hỗ trợ để có thể chiến đấu với vi rút. Cơ thể của trẻ cũng cần nhiều thời gian để ổn định sau khi bị bệnh và cần bổ sung các vitamin thích hợp.

Vui chơi ngoài trời giúp trẻ tăng sức đề kháng. Ảnh: Inmagine

7 bước cho hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh hơn

Mầm bệnh phải đi qua ba cấp độ miễn dịch trước khi cơ thể ngã bệnh. Thứ nhất, gọi là miễn dịch bẩm sinh, được hình thành từ da, hô hấp và hệ tiêu hóa. Mầm bệnh sẽ bị đánh bại dễ dàng nếu trẻ chỉ tiếp xúc gần với người bệnh.

Miễn dịch thích ứng và miễn dịch bị động là hàng rào phòng thủ kế tiếp. Nếu con bạn hồi phục tốt sau một căn bệnh truyền nhiễm bị gây ra bởi cùng loại vi trùng hoặc đã được miễn dịch với nó, thì sau đó miễn dịch thích ứng của trẻ sẽ rất khỏe mạnh. Đây là lí do vì sao các bác sĩ thường nói rằng việc bị bệnh sẽ giúp con trẻ khỏe mạnh hơn. Nếu cơ thể bình phục tốt, sức đề kháng có thể giúp trẻ đánh bại những vi rút tương tự về sau.

Tiêm chủng đầy đủ và sữa mẹ củng cố hệ miễn dịch bị động vì lượng kháng thể lớn chúng cung cấp cho cơ thể. Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn miễn dịch chủ yếu.

Để củng cố cho miễn dịch bị động cho trẻ lớn, hãy quay về những khái niệm cơ bản với 7 cách đơn giản như sau:

1. Tiêm ngừa

Bác sĩ nhi khoa cho biết, tiêm chủng tạo nên hệ miễn dịch cho cơ thể trước khi bị những căn bệnh do vi rút gây ra và vẫn là cách tốt nhất để đề phòng các bệnh truyền nhiễm. Tuy tiêm phòng là biện pháp đầu tiên nhưng hãy biết rằng sự truyền nhiễm được gây ra bởi cơ thể trẻ tiếp xúc với nhiều mầm bệnh, vì thế trẻ cần một cơ thể và một hệ tiêu hóa khỏe mạnh để chống lại chúng.

2. Bảo vệ bộ máy tiêu hóa

Hệ miễn dịch của đường tiêu hóa được hình thành chủ yếu từ ruột. Tại đó, các vi sinh vật có lợi sẽ bảo vệ ruột và ngăn không cho chất gây dị ứng hấp thụ vào bên trong cơ thể thông qua ruột non.

BS. Lee Hee Hoon, giám đốc chuyên khoa dinh dưỡng, bệnh viện Alvernia cho biết, đứa bé được nuôi bằng sữa mẹ được có một hệ miễn dịch khỏe mạnh bởi vì sữa mẹ chứa probiotic (một loại vi khuẩn có trong sữa chua) hay còn gọi là vi khuẩn ruột kết. Chúng hình thành nên hầu hết quần thể vi sinh vật trong ruột.

TS. Liew nói thêm, sữa mẹ cũng chứa nhiều kháng thể khác không chỉ bảo vệ bộ máy tiêu hóa mà còn đẩy mạnh sự phát triển của những vi khuẩn có ích trong ruột giúp trẻ ngăn chặn được các bệnh truyền nhiễm. Vì thế, hãy nuôi con bằng sữa mẹ trong vài ngày đầu sau khi sinh, lúc đó sữa mẹ chứa colostrum (sữa non) rất giàu kháng thể. Sau đó, hãy tiếp tục cho con bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời.

Đối với trẻ lớn hơn, probiotic có trong sữa chua và nhiều loại sữa bột đáng tin cậy khác có thể cung cấp các vi khuẩn tương tự có ích cho đường ruột, bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi vi khuẩn gây hại, cải thiện sự tiêu hóa cũng như hệ miễn dịch của trẻ.

3. Chế độ dinh dưỡng

BS. Lee Hee Hoon nói thêm: “Hệ miễn dịch của một đứa trẻ thường xuyên được tăng cường hoặc bị yếu đi theo chất dinh dưỡng mà trẻ nhận được vào cơ thể. Vitamin A, C, E, B6 và D với những chất khoáng như kẽm, đồng, và xê-len là những chất chống oxy hóa mạnh giúp hồi phục và bảo vệ tế bào miễn dịch của cơ thể”.

Bác sĩ khuyên nên dùng thực phẩm tươi hơn là thịt đã qua chế biến hoặc thực phẩm đóng hộp cho bữa ăn của trẻ, những thứ này thường chứa nhiều sodium không tốt cho sức khỏe. Trái cây và rau củ tươi cung cấp vitamin C và phytonutrient, chất này gồm các thành phần như beta-carotene và isoflavones đẩy mạnh hệ miễn dịch. Trong khi đó các a-xít béo có trong cá tươi có thể cải thiện sự miễn dịch của hệ tiêu hóa bẩm sinh.

Thêm vào chế độ ăn này, bánh mì làm từ lúa mạch nguyên chất và ngũ cốc, sữa chua sẽ tăng cường sức khỏe của bộ máy tiêu hóa. Bạn có thể kích thích chức năng miễn dịch và tăng sức đề kháng của con bạn trước bệnh cảm, bệnh truyền nhiễm, và những căn bệnh khác.

Thực phẩm tươi giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Ảnh: Inmagine

 

4. Thời gian nghỉ ngơi

Một trong những lý do khiến những đứa trẻ đang khỏe mạnh dễ dàng ngã bệnh là vì lối sống của chúng đang trở nên quá nặng nề và bận rộn. “Nếu đứa trẻ bị quá tải với những lớp học, không được ăn đủ rau củ tươi, thiếu các hoạt động ngoài trời và thiếu ngủ thì hệ miễn dịch của chúng sẽ bị đe dọa”, tiến sĩ Low cho biết. Trẻ em cần được nghỉ ngơi, thậm chí khi chúng không có bệnh. Giấc ngủ ngon và ngủ đủ giấc giúp cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể rất nhiều.

5. Vệ sinh sạch sẽ

Hãy duy trì hệ miễn dịch bẩm sinh của trẻ bằng cách dạy trẻ giữ gìn vệ sinh thân thể tốt. Khử trùng những vết đứt, vết thương đúng cách khi bị trầy xước, đứt tay. Bạn hãy chắc rằng trẻ luôn được rửa tay chân và mặt một cách thường xuyên.

>> Bạn có thể xem thêm bài tổng hợp: “sức khỏe bà bầu, nhạc dành cho bà bầu, sức khỏe gia đình..." để tìm hiểu nhiều hơn về các bài viết của  nhạc bà bầu bạn nhé !

6. Tập thể dục và chơi đùa

Tiến sĩ Chan khuyên rằng, ra khỏi nhà để luyện tập thể dục hoặc chơi đùa sẽ cho trẻ có cơ hội vận động cơ bắp và xương, điều này giúp tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể. Trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài có thể giúp đẩy mạnh sự miễn dịch, vì thế bạn đừng giữ trẻ quá kỹ ở trong nhà vì sợ trẻ mắc bệnh. Hãy giúp trẻ tăng sức đề kháng bằng cách cho trẻ đi công viên để vui đùa và chạy nhảy hàng tuần.

7. Kiểm tra sức khỏe đều đặn

Bất kỳ vấn đề sức khỏe nào liên quan đến thể chất hay dinh dưỡng có thể được phát hiện và điều trị nhanh chóng nếu bác sĩ luôn theo sát tình trạng sức khỏe của con bạn. Hỏi ý kiến bác sĩ của bạn về những cách bổ sung chất dinh dưỡng và giải pháp khả thi nếu con bạn là một đứa trẻ biếng ăn.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn

Tham gia bình luận: