Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ sáu, 09/11/2007 14:22

Hồi ký: Hồ Tây - Phúc Nhạc


Kỷ niệm 50 năm Cách mạng 19 – 8 và Quốc khánh 2 – 9 (1945 – 2005)

 

Hồ Tây – Phúc Nhạc

Hồi ký trường Bưởi – khóa E.P.S 1942

 

Ta chúc mừng nhau tuổi bảy mươi

Cháu con dâu rể lên “Ông” rồi

Lửa đạn thăng trầm bao sóng gió

Mà hồn trường Bưởi vẫn xanh tươi

 

... Các cậu có nhớ không? Cái buổi sáng tinh khiết một ngày tháng 9 năm 42 đó, chúng mình lần đầu tiên bỡ ngỡ quen nhau bên cái cổng sắt rộng lớn của khu trường Bưởi cạnh dòng nước Hồ Tây xanh trong bát ngát với những con thuyền mỏng bập bềnh trôi. Kỳ thi concours năm ấy ngoài hệ E.P.S như thường lệ còn mở thêm hai hệ mới: E.O dạy chữ Hán và A (sinh ngữ Anh Văn). Proviseur(1) là Pérucca có cái chân trái đi hơi tập tễnh, dáng dấp parisien lịch sự, có cô con gái đầm cũng khá là xinh. Censeur(2) Dizes dân Corse có cái mũi khoằm khoằm như mũi diều hâu mặt lúc nào cũng đỏ gay như mào gà sống thiến hay đập bàn quát tháo học sinh. Thầy giáo chủ nhiệm (Professeur principal) của chúng ta năm Đệ nhất là thầy Bao dáng mảnh khảnh nho nhã hay mặc bộ tropical màu xám, năm Đệ nhị là thầy Bảng người cao khỏe, ít cười. Năm Đệ tam ở Phúc Nhạc là thầy Mùi với cặp kính to trên một khuôn mặt tròn, nước da ngăm đen, thầy dạy tiếng Pháp nhưng lại hay dặn học sinh chúng ta chỉ nên sử dụng tiếng Pháp giờ vào lớp không nên dùng tràn lan trong sinh hoạt mà quên đi tiếng mẹ đẻ. Thầy Hiệt dạy Văn, thầy Chương Physique - Chimie(3) nghiêm nghị nhưng nhân hậu, ba Hùng dạy Toán rất yêu thương học sinh, ba Khang Histoire(4) người đẫy đà vui tính hay mặc “soóc”, ngày nghỉ thường lên chơi thị xã Ninh Bình, thầy Chính Géographie(5) người xương xương nghiêm túc trong bộ đồ nam phục, thường có tâm sự riêng, cụ Thẩm Quỳnh Caractères chinois(6) đạo mạo với chiếc áo the, khăn xếp, thầy Quang “sciences nat.” luôn chau chuốt thanh lịch, thầy Nguyễn Tường Lân dạy vẽ và v.v... Các thầy cũ ở đâu ai còn, ai mất ? Chúng ta có lỗi đã không được biết tường tận và do bao năm binh lửa cũng ít có quan hệ thăm hỏi các thầy nhưng luôn luôn xin được gửi về các thầy, lòng dạt dào kính trọng và biết ơn vô hạn trước công lao dạy bảo khó nhọc của các thầy đã đào tạo thế hệ trẻ chúng con nên người hữu ích hôm nay.

 

new_of_a--truong-Buoi-2.gif

Trường Bưởi năm 1941 dưới thời thuộc Pháp. Trên cổng trường, ta còn nhìn thấy cái tên
 “Lycée du Protectorat” (Trung học Bảo hộ) và lá cờ đỏ “tam tài” - quốc kỳ Pháp

 

Các cậu có nhớ không? Những buổi sớm gió trời lồng lộng, trên cái vòng piste ven quanh Hồ Tây chúng ta cùng chạy đua 100 mét, 200 mét hoặc nhảy dài, nhảy cao dưới sự hướng dẫn của các moniteur(7) Phan Thiết như anh Đức, anh Ước và cả một tay trung sĩ người Pháp cao to tên là Doux. Các moniteurs này thường vui vẻ dễ dãi với học sinh chúng ta. Cũng cái vòng piste đó còn dùng làm nơi tổ chức Hội trường Bưởi hàng năm với những vở ca kịch lịch sử như Trần Nguyên Hãn, Lê Lai cứu chúa, Huyền Trân công chúa hay như hoạt cảnh một chiếc xe bò kết lá trên có mấy chàng “cow – boy” mũ rộng vành, áo ca rô tay phừng phừng chiếc ghi ta gô miệng hát nghêu ngao một điệu du mục Mề tây cơ. Sau lễ hội trường Bưởi say máu với những đề tài lịch sử chống ngoại xâm của cha ông, chúng ta thường kéo nhau đến bãi bóng Finance đánh nhau với lũ Tây con trường Albert Sarraut cũng hay đến đó đá bóng. Bọn  mình hồi đó mới là hạng “nhóc” đàn em mới nhập trường nên thường chỉ được giao đóng vai Supporter và đánh hôi. Gạch, thanh củi, đòn gánh, guốc dép... có cậu mang cả point américain để nện Tây thả cửa. Bọn Sarraut và mấy cô đầm Félix Faure rất nể học sinh trường Bưởi.

Chúng ta còn nhớ cả các thầy giám thị như thầy Lung, thầy Bình, thầy Di, thầy Đệ. Các thầy thường hay quản lý chúng ta ngoài giờ lên lớp để luôn nhắc nhở chúng ta vào nề nếp học tập giữ đúng nội quy giờ giấc. Nhưng ngày ấy tuổi trẻ ham chơi nghịch nên khi bị cấm đoán, chúng ta thường hay có định kiến không đúng về các thầy.

Những buổi trưa tiếng ve kêu ran dưới vòm cây sấu, chiếc xe điện lại leng keng ngày hai buổi đậu sát bên cổng trường đưa đón bọn Demi-Pension chúng mình, còn các cậu học giỏi được bourse internat hoặc ở tỉnh xa thì ăn ở luôn tại trường, tầng gác ba lộng gió. Mình nhớ bà hàng nước hiền hậu có cái quầy nhỏ bán ô mai, chuối, bưởi, kẹo vừng kẹo bột nhiều lúc rất dễ dãi bán chịu ghi sổ cho các cậu chẳng may túi rỗng hoặc người nhà chưa kịp gửi tiền lên. Nhớ bác bảo vệ mặt ngớ ngẩn thần kinh mỗi khi đánh  trống vào lớp xong lại khoan khoái rít một hơi thuốc lào sòng sọc. Nhớ cả ông già mắt hấp háy mới sáng tinh mơ đã đến ngồi cạnh cổng trường rao bán bánh mỳ pa-tê mỗi chiếc hai xu. Nhớ cả dàn đồng ca (orchestre) tuyển chọn một số anh em có giọng tốt dưới sự hướng dẫn của hai giảng viên nhạc người Pháp: Robert và Parmentier... Chúng mình đã phải gân cổ lên mỗi buổi sáng chào cờ “Allons, enfants de la patrie(8)...” hoặc trước giờ học đã phải đứng nghiêm nhìn ảnh lão Pétain to tướng treo trên tường mà đồng thanh “Maréchal, nous voilà! Devant toi, le sauveur de la France(9)...”. Nó bắt hát thì phải hát, chứ bọn mình có ý thức gì đâu. Khuynh hướng chung ngày ấy là thích những giai điệu cổ điển kia như cái bài Barcarolle với cái âm hưởng dịu dặt của một con thuyền trôi trên sóng nước mang cái dáng dấp Hồ Tây thân quen của chúng ta.

Cuộc đời học sinh đang nhẹ nhõm hồn nhiên như vậy ở Hà Nội thì giữa năm 42 máy bay Mỹ thường sang oanh tạc bọn Nhật ở đây. Chúng nó đánh nhau làm dân mình chết thay. Chợ Hàng Da, ga Hàng Cỏ. Bom rơi người chết nhà đổ. Để giữ an toàn cho học sinh, cuối năm 43 đó chúng ta được di chuyển về một vùng xa xôi: Phúc Nhạc (Ninh Bình) còn các cậu ban Tú Tài thì đi Thanh Hoá. Một chuyến tàu bịn rịn nhớ nhung, chuyển bánh lùi lũi, âm thầm trong bóng đêm phủ đặc.

Các cậu có nhớ không? Tàu đến ga Cầu Guột (dưới Thanh Trì) thì trật bánh, xô mạnh vào cái chateau d’eau bên đường. Nước sối tung tóe vào trong khoang làm ướt sũng hành lý và bọn học sinh chúng mình. Hơn chục người chết. Tin rất nhanh về Hà Nội “học sinh trường Bưởi chết vô kể”, nhiều ông bố, bà mẹ vừa khóc vừa đáp xe bổ xuống hoặc phóng nhanh lên trường hỏi tin tức. May sao học sinh trường Bưởi không ai việc gì. Chỉ chết một số hành khách đang đứng dưới đường đợi tàu hoặc sơ ý ngồi vắt vẻo ở bậc lên xuống. Có một người đứng bên cái chateau d’eau bị thành tàu va mạnh chết bẹp dí; máu bê bết phải gỡ mãi xác mới ra. Cái hình ảnh rùng rợn buổi niên thiếu đó cứ ám ảnh mình mãi sau này khiến mỗi khi đi tàu mình thường rất nghiêm túc ngồi tụt hẳn vào bên trong và chẳng bao giờ dám thò đầu, thò tay ra ngoài khoang:

Ôi Phúc Nhạc đêm buồn bảng lãng, 

Đời học sinh nương gửi giáo đường...”

 

a--truong-Buoi4.jpg

Tu chủng viện Phúc Nhạc thuộc tỉnh Ninh Bình - năm 1944 nơi học sinh trường Bưởi
(khối E.P.S) sơ tán. Một buổi sáng xếp hàng “chào cờ” trước khi vào lớp

 

Chúng ta bắt đầu một nhịp sống mới: Phúc Nhạc. Mái nhà thờ Đạo âm u với những tiếng cầu kinh rì rầm, những vạt áo dài thâm lặng lẽ đi dưới hành lang. Các cha cố rất chiều, lấy lòng bọn học sinh thường hay hỗ trợ gạo, củi và các trái cây, ngày nghỉ mời học sinh tham gia các buổi nghe kinh, giảng đạo, có lần xe ô tô đưa chúng mình đến tận Phát Diệm, cái nôi của giòng đạo Thiên Chúa xứ Bắc này. Tuần phủ Ninh Bình Từ Bộ Thực cũng thường đến thăm trường và có những sự giúp đỡ thiết thực, ưu ái.

Những ngày nghỉ chúng ta thường tổ chức lên chơi thị xã Ninh Bình thăm chùa Non Nước hang Từ Thc, động Hoa Lư nghe nói chuyện về những đề tài lịch sử, gương chiến đấu chống quân xâm lược của cha ông xưa, từng bước nhen nhúm trong mỗi chúng ta lòng tự hào và thiết tha yêu quê hương đất nước. Ngoài những giờ ôn bài vở, chúng ta thường hay chơi đá cầu hoặc đá bóng. Bóng da hoặc bóng cao su. Đến bây giờ mà vẫn nhớ như in trên cái bãi cỏ Phúc Nhạc dưới nắng trưa, những đường bóng lắt léo thông minh của Sơn Đài, Ngọc Huynh ở vị trí ailier và inter gauche thường được bổ sung cho lớp 4C với những Vĩnh Vếu, Toàn Cháy thi đấu với lớp đàn anh 4A gồm một số “cầu thủ” con quan như Từ Bộ Lãng, Lê Gia... Cậu Lãng môi đỏ chót như son, thường mặc “soóc” cố ý phô bộ đùi phốp pháp trắng như đầm, chiếc khăn bông trắng vắt ngang cổ rất điệu, giữ thủ môn và cũng rất sợ những cú sút từ xa của Vĩnh Vếu. Có lần 4A bị thua cay cú đón đánh 4C - Đặng Đình Bàn nổi hung vác dao phay khua tới (cậu này sau hy  sinh ngay trong đêm đầu tác chiến Thủ đô 19/12/46).

Mình thì từ lâu đã đoạn tuyệt với giấc mơ “cầu thủ” mà chỉ chuyên cần đi “com măng” bài vở anh em cho tờ bích báo của lớp. Điều đáng nêu là tờ bích báo của cánh E.P.S 42 chúng mình đã duy trì được đều đặn suốt từ “Première année” đến khi trường - sau đảo chính - trở về Hà Nội mới thôi. Ra hàng tuần và cả những số đặc san, nguyệt san. Bìa hoa hoét màu sắc khá đẹp mang những cái tên gợi cảm dễ thương: Tuổi trẻ, Hoa niên thiếu, Phượng, Conga (Con gà - số Tết một năm Dậu) cộng tác viên “tên tuổi” nghe cũng “kêu” đấy chứ: Anh Sơn, Ngọc Thuỷ, Lan Như, Quý Thiên, Hàn Phương Sỹ, Mộng Long, Mộng Lục “six rêves” (cậu này sau làm báo Văn nghệ Quân Đội, hy sinh ở biên giới phía Bắc) tham gia còn có cả Trần Quang Huy lớp trên tức Việt Phương cửa mở sau này.

Bọn mình nói chung chăm chỉ, học khá, có cậu hơi gạo. So với các lớp kia thì cánh E.P.S 42 chúng mình gần như là nghèo nhất. Do đó chúng mình biết thân phận tu chí học hành chứ không “ăn chơi” như một vài cậu bên A hoặc E.O. Brillant nhất có lẽ là Trọng Lai, Lê Ánh, Sơn Đài, Đăng Phùng thường giật prix d’honneur và prix d’excellence(10), cuối mỗi học kỳ. Đẹp giai có Mai Sinh hôm nay đang là ông đại tá Tổng cục chính trị Mai Khang tuổi hơn 60 vẫn rất bảnh bao, nghi thức như xưa. Nhỏ nhắn có Đỗ Văn Hàn, Chu Trọng Đễ. Có cái ve bên mắt đá cầu chân trái rất “nghệ” là Đỗ Trọng Khương những buổi trưa dưới cái sân préau có mái che. Cậu Đông tàu hoả hùng hục như một toa xe lửa. Rồi Yến Surdain, Loại khỉ, Thuần cả đăm, Long đỏ, Long trắng, hai cậu miền núi: Bạc cầm Trực to nặng Đào Đức Mậu thư sinh...

Các cậu còn nhớ không? Cái tay Slaess giám thị lai da đen đó thường hay “trù” học sinh chúng mình. Quá chín giờ đêm, đèn tắt đi ngủ là nó bắt đầu lên dortoir, rình mò đi dép, êm như một con mèo, soi đèn pile lên đầu giường nhng cậu chưa ngủ còn đang rì rầm nói chuyện. Thế là “consigne” chủ nhật cắm tại trường không được đi chơi. Bọn mình rất căm mới bố trí phục kích chăng dây thừng giữa hai chân giường, cu cậu vừa lò dò đi tới bị giật mạnh ngã quay lơ, một số anh em cái chăn dang sẵn rộng cứ thế chùm lên hắn ta mà đánh đòn hội chợ tơi bời. Xong nhanh như chớp ai về giường nấy ngáy khò khò im thin thít. Đèn bật sáng, Slaess lồng lộn nhưng cũng đành chịu vì chẳng biết ai đầu têu để phạt.

Riêng mình thời kỳ internat Phúc Nhạc còn nhớ một kỷ niệm khó quên. Một buổi giữa đêm, học sinh đang ngủ, mình vào nhà vệ sinh đóng chặt cửa lại đốt thử mấy quả pháo đùng mới mua ở chợ xem nó có kêu không và kêu có vang không.

Ai ngờ, nó kêu thật và kêu rất vang. Cả dortoir chồm dạy, hốt hoảng tưởng máy bay Mỹ oanh tạc ban đêm. Mình suýt bị đuổi. Điện khẩn về Hà Nội “Lên ngay đón Phiến về”. Gia đình tưởng mình ốm đau, sắp chết giữa lúc bom đạn rầm rầm và giữa ban ngày, ban mặt đáp ô tô từ Hà Nội vào, đến nơi thấy mình đang ngồi ở Trạm xá (bị kỷ luật cách ly) nhai bánh dày kẹp chả trâu, gia đình mới yên tâm, sau phải demander excuses(11) và hứa hẹn cam kết mãi với lão Censeur Dizès, vụ này mới yên.

 

*       *

*

Những năm cuối 44 đầu 45 để thực hiện âm mưu chính trị sát hại dân mình, lúa đang độ sắp chín thì bọn Nhật bắt ta nhổ lên để trồng đay. Nạn đói lan tràn. Hàng ngày ra chợ Phúc Nhạc chúng ta chứng kiến bao cảnh thương tâm. Xác chết nằm ngập lối đi. Có những thân hình chỉ còn da bọc xương, đôi mắt trũng sâu như hai lỗ đáo. Có người vừa cướp giật chiếc bánh đúc của bà hàng quán đưa lên miệng nhai ngấu nghiến, chưa kịp nuốt xong đã lăn ra chết. Có người mẹ thân khô cứng, giá lạnh từ nửa đêm mà đứa con vẫn rúc miệng ray ray bên vú.

Trong khi đó thì bọn học sinh mình hàng ngày vẫn vùi đầu vào văn bài thi cử, đọc những dòng thơ đẫm lệ Lamartine, những trang tình sử Le Cid, say sưa với cảnh đẹp của một cánh rừng Boulogne, tháp Effel, vườn hoa Lục-Xâm-Bảo có chú bé cặp lủng lẳng ngang vai sautillant comme un moineau(12) ngày khai giảng, học thuộc làu những Henri IV và Marie Antoinette lên đoạn đầu đài, hay tỷ mẩn phân tích cơ thể một con côn trùng chuồn chuồn, bươm bướm, những định lý Archimède, những đẳng thức Toán khô cứng.v.v...

Các cậu còn nhớ không cũng trong khung cảnh lạnh lẽo, cô đơn của toà Tu Chủng Viện với những tiếng cầu kinh rì rầm, những vạt áo dài thâm lặng lẽ đi dưới hành lang, những đêm đông giá rét dễ làm vẩn vơ cái lứa tuổi 17, 18 mới lớn lên đang phải chịu cảnh xa nhà, lòng luôn luôn trống vắng. Cậu Trường Sơn Tây có mái tóc bơ phờ thi sỹ mê cô con gái thầy V.T.Y. Économat (quản-trị) hay tỏ tình bằng âm điệu day dứt của bài “Buồn tàn thu” “Ai lướt đi ngoài sương gió. Không dừng chân đến em bẽ bàng”. Bài “Nuit chinoise”(13) bài “Hà nhật quân tái lai” hồi đó cũng đang rất thịnh hành. “Đi có để lại hình bóng. Cùng nhớ thương em để bên lòng...”

Trong bối cảnh như vậy, mình thành thực kính trọng một số các cậu ngày ấy đã sớm ý thức tư tưởng tiến bộ, ngấm ngầm tham gia các tổ chức Việt Minh đầy mạo hiểm tại trường, bí mật truyền tay nhau những cuốn “Người cùng khổ” “Bản án chế độ thực dân Pháp, cái tổ chức Hội Chuối được đông đảo tham gia gọi tắt là đoàn S.E.T (Section d’excursion et tourisme) bề ngoài là tham quan du lịch, thực chất là một nơi để tập hợp học sinh khơi dậy lòng yêu nước, căm thù giặc, tiếp tục truyền thống cách mạng của trường Bưởi xưa. Tên tuổi Lã Triều Khu thường được anh em mình nhắc đến với lòng ngưỡng mộ, cảm phục.

Mình còn nhớ có khi đang buổi học, bỗng nhộn nhạo hẳn lên. Xe ô tô xình xịch mang mấy tên hiến binh Nhật quần soóc đi ủng, thanh kiếm sền sệt bên hông đỗ trước sân nhà trường. Thế rồi mấy cậu lớp trên được điệu lên xe trước sự ngỡ ngàng, sợ hãi của đám học sinh chúng ta. 

Đêm 8 rạng ngày 9/3/1945 súng nổ ran phía thị xã Ninh Bình. Sáng ra mới rõ Nhật đã đảo chính Pháp. Và cũng chỉ cần chưa hết đêm, ở Hà Nội toàn quyền Decoux đã ngoan ngoãn cờ trắng đầu hàng.

Hai hôm sau, hiến binh Nhật rầm rộ kéo về đây, trói gô tất cả những người Pháp - trong có cả các “quan chức” của cái trường Bưởi này - Dizes, Slaess và bày đàn thê tử bị trói giật cánh khuỷu, đầu cúi gầm, bước buồn bã, khóc như ri. Tất cả được áp giải lên hai chiếc ô tô to mui bọc kín phóng nhanh về trại tù binh.

Thông qua hình ảnh trên bọn mình đã tận mắt chứng kiến sự tan rã của một nền thống trị thực dân đã ăn sâu, bám rễ gần 100 năm nay mà bao cuộc khởi nghĩa đẫm máu của cha ông trước đây đã chưa thành công... 

Nhà trường ngơ ngác trong cảnh “rắn không đầu”. Việc học tạm ngừng. Mà có giở sách ra cũng chẳng ai còn tập trung vào bài giảng của thầy. Chỗ này, chỗ kia chụm đầu vào nhau, thông báo những tin “giật gân”. Tây chết như rạ, Trần Văn Nhung dại dột theo Nhật vào thành bị bắn chết ngay phút đầu, cờ đỏ sao vàng xuất hiện nơi này, nơi khác ở nông thôn và .v.v. Kháo chuyện râm ran những buổi tối trên dortoir cũng chẳng lo bị ai phạt nữa. Một số võ quan Nhật có thông ngôn Việt Nam đi kèm về trường tuyên truyền thuyết Đại Đông Á, hô hào Việt Nam cộng tác với Nhật vì Nhật đã “đem lại độc lập” (!) cho Việt Nam. Nhưng mặc nó nói, bọn mình có ai thèm nghe đâu, vì đầu óc còn đang say sưa huyễn tưởng với những kỳ tích “xuất quỷ nhập thần” của Việt Minh: phá kho thóc, tiễu trừ Việt gian, diễn thuyết công khai giữa chợ, bọn Nhật kéo đến, người cán bộ Việt Minh đã biến nhanh đi đâu mất...

Và bọn mình đứa nào cũng nôn nao được sớm trở về Hà Nội.

Thầy Nguyễn Gia Tường tạm thời được cử làm Hiệu trưởng. Kế hoạch về Hà Nội được chuẩn bị. Ông Từ Bộ Thực lúc này đã chuyển về làm Tuần Phủ Nam Định cho xe ô tô đến đón tất cả thầy trò về tập kết tại tỉnh vì mọi đường xe lửa quân Nhật đã sử dụng ưu tiên vào mục đích quân sự. Nghỉ ngơi ăn uống ở Nam Định vài ngày rồi cũng lại ông Tuần Phủ tốt bụng đó đã thuê riêng một chuyến tàu thuỷ đưa cái trường Bưởi giã đám này về Hà Nội.

Sông nước mênh mông, con tàu rẽ sóng. Hai bên bờ sông phơi bày những nét tiêu điều, xơ xác... Không tiếng chó, tiếng gà. Xóm thôn hoang vắng. Những xác chết cái nằm trên bờ ruộng, cái vắt vẻo ven sông. Xác, xác, chỗ nào cũng xác chết, từng đàn quạ đen lượn lờ bay trên không.

Con tàu càng trôi đi, bọn mình càng có dịp chứng kiến những tội ác rùng rợn của giặc. Và có thể là những hình ảnh khủng khiếp này đã tác động một cách mạnh mẽ, đã ghi dấu ấn thật đậm vào những khối óc tuổi thơ chúng mình ngày ấy nên đã giúp chúng mình có đầy đủ dũng khí và quyết tâm lao vào cuộc trường chinh mấy chục năm liền sau đó để cho những cảnh thương tâm trên không thể còn bao giờ tái diễn.

Nhật tàn ác hống hách nhưng sau đó cũng lại phải đầu hàng Đồng Minh.

Tổng khởi nghĩa 19/8/1945. Bác Hồ về Hà Nội. Ôi quên sao cái không khí tưng bừng rạo rực của những ngày đầu giành chính quyền về tay nhân dân ấy. Ngực như muốn vỡ tung, chân như muốn bay. Những bữa cơm Đoàn Kết, mâm cỗ bày ra hè phố mời cả bà con hàng xóm cùng dự Tuần lễ Vàng ở Khai Trí Tiến Đức, các bà, các cô tự động tháo dây chuyền, vòng xuyến, vàng bạc ủng hộ chính quyền cách mạng non trẻ trong khi ngân khố tiếp quản không hơn 1.000.000 đồng tiền rách. Thiếu nhi đeo trống ếch bập bùng hát  quanh Hồ Gươm. Thanh niên, phụ nữ ca lô đội lệch, chào nhau nắm đấm ngang tai. Rồi những bài ca Bao chiến sĩ anh hùng... Diệt phát xít, Suối Mơ, Đàn chim Việt hào hùng, lưu luyến bay cao, ngân xa...

Bọn chúng mình được tập trung lại, tiếp tục vào năm Đệ tứ tại Việt Nam học xá đường Bạch Mai. Chỉ còn lại không quá nửa, nhiều anh em cắt ngang từ đây để tham gia bộ đội hoặc các tổ chức Cứu quốc đang hết sức cuốn hút lúc bấy giờ. Nhà trường tổ chức Học sinh Cứu quốc đoàn. Lần đầu tiên chúng mình được tham gia sinh hoạt, hội họp được thảo luận những vấn đề đại sự về quốc gia, dân tộc, được công khai nhắc đến những từ Độc lập, Tự do... không khí  thật là say sưa hào hứng, cuộc họp dù kéo dài cũng chẳng đứa nào thấy mệt. Tiếng Pháp bị bãi bỏ. Tiếng Việt từ chỗ bị coi là ngữ văn phụ đã được trở lại ngôi vị chính thống. Do sách giáo khoa chưa in kịp, chúng mình đã phải góp tiền thuê in Ronéo các bài giảng bằng tiếng Việt của thầy.

Ngoài đường phố những cuộc đụng độ giữa Việt Minh và Việt Quốc, Việt Cách, nhưng số theo Việt Minh vẫn đông hơn. Rất mừng trong số anh em E.P.S Đệ tứ chúng mình không có tình trạng lộn xộn đánh lẫn nhau này.

Rồi miền Nam quân Anh kéo vào theo sau là lũ tàn quân Pháp. Súng nổ, kháng chiến Nam Bộ 23/9/45 miền Bắc, Tưởng Giới Thạch xua lũ Tầu ô kéo sang, lếch thếch vợ con chổi cùn, dế rách, xoong chảo, nồi niêu.

Trong không khí hào hứng Độc lập, Tự do nhưng cũng vô cùng nghiêng ngửa khó khăn của những ngày đầu giành chành quyền về ta ấy, trường Bưởi từ VNHX được chuyển về đóng tại trường Félix-Faure đường Trần Phú nguyên là một trường nữ học Pháp trước đây và mang tên mới, một thầy giáo, một danh nhân nhà Trần “Chu Văn An”, tác giả của bản sớ “Thất trảm” chấn động càn khôn. Cái tên “Lycée du Protectorat”(14), đã vĩnh viễn vùi sâu vào quá khứ cũng như nền thống trị của bất cứ kẻ nào muốn áp đặt lên đầu cổ nhân dân ta.

(Kháng chiến toàn quốc trường Chu Văn An được chuyển về Đào Giã - Phú Thọ do Ba Khang làm hiệu trưởng. Trong những năm Hà Nội tạm chiến, trường Bưởi đã bị binh đoàn xe tăng Pháp chiếm đóng, nên thầy và trò phải tạm trú tại trường Trưng Vương phố Hàng Bài sau lên Cửa Bắc chung với trường Sư phạm Đỗ Hữu Vị cũ. Sau ngày giải phóng Thủ đô tháng 10/1954, trường Chu Văn An mới lại trở về địa điểm cũ ngày xưa, bên cạnh sóng nước Hồ Tây quen thuộc với bóng dáng những con thuyền mỏng đang chập chờn bỏ lái buông theo...)

Ngày vui của những năm tháng thở hít không khí Độc lập, Tự do chưa được bao lâu thì sau Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 quân Pháp lại quay trở lại thay thế quân Tầu Tưởng. Những chuyện khiêu khích hàng ngày xảy ra trên đường phố. Lính Pháp đốt nhà Thông tin, cắt tiết người dân ngõ Yên Ninh, phóng xe díp như điên cán người vô tội vạ, ném lựu đạn vào đám đông dân chúng...

Ta càng nhịn, chúng càng lấn tới. Và thế rồi đêm 19 một ngày tháng chạp năm 46 đó, Hà Nội rực lửa đứng lên...

“Súng đã rung lên quát nỗi Hiềm

Gươm thần hoen ố máu cuồng điên

Hỡi ôi ! Đất Mẹ đêm mười chín

Cung miếu thành tro, xác ngập thềm...”

Bác Hồ và Chính phủ tạm rút ra ngoài. Những anh em trường Bưởi cũng ra đi theo Bác. Từ đây chúng mình tạm cách xa và ít còn được tin tức của nhau...

*

*         *

Có lẽ trên thế giới ngày nay ít có dân tộc nào lại gan góc chịu đựng, chấp nhận hy sinh, kiên trì cho quyền được sống và làm người như dân tộc Việt Nam. Một cuộc chiến tranh liên miên kéo dài suốt 30 năm. Hết Nhật, đến Tây rồi đến Mỹ, đến Tầu. Những cường quốc sng sỏ của cả ba lục địa. Chiến trường miền Bắc, chiến trường miền Nam. Biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc - Lào - Campuchia.

Thế hệ trẻ chúng mình có lẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất. Ít được một ngày nghỉ ngơi hưởng thụ. Ít có thì giờ gi một lá thư cho người yêu, ít có cái thanh thản đến Nhạc viện nghe một giai điệu buồn của Chopin, của Mozart hoặc vào thư viện nghiền ngẫm một cuốn sách hay một ý thơ đẹp của người xưa...

Tuổi trẻ chúng mình mới biết nhìn cuộc đời đã được “vỡ lòng” ngay nhng cú đá đít “salaud cochon”(15) của bọn Pháp, đã được tận mắt những xác chết  khủng khiếp năm Ất Dậu, đã là máu lửa và nước mắt.

Tuổi trẻ trường Bưởi đã có mặt trên hầu khắp chiều dài, chiều rộng của đất nước. Núi rừng Việt Bắc, muỗi vắt Trường Sơn, kênh lạch Đồng Tháp, đội bom, đội lửa, nằm hầm, ngủ hố, cơm nắm, muối rang... những cơn sốt rét quật lên quật xuống - sự tàn bạo điên cuồng của giặc - những người bạn đã vĩnh viễn nằm yên nơi bìa rừng hoang vắng. 

Nhưng như lời Đinh Khắc Cao “Tuổi trẻ trường Bưởi chúng mình cũng lại là những người hạnh phúc nhất vì đã được sống trong một giai đoạn hào hùng, nóng bỏng nhất của lịch sử, đã góp phần thay đổi vận mệnh non sông, từ nô lệ ra thành người t do...”

30 năm qua, trên khắp nẻo đường đất nước, mỗi người chúng ta ra đi ít nhiều đều mang theo những kỷ niệm của cái mái trường thân yêu, không nói ra nhưng lòng tự nhủ lòng nguyện mãi mãi xứng đáng với công dạy dỗ của các thầy, với truyền thống cách mạng của trường, của các bậc đàn anh đi trước...

Cái chất trường Bưởi luôn tinh khiết toả sáng trong tâm hồn mỗi chúng ta, dẫn dắt chúng  mình trong từng bước đi, từng hành động. Điều đáng mừng giữa cái bộn bề của xã hội hôm nay với bao vụ “thất thoát” hàng tỷ, hàng triệu không có tên anh em chúng mình.

45 người của khóa E.P.S 1942 năm ấy còn lại 22 người chúng ta hôm nay với những vị trí xã hội khác nhau, hoàn cảnh sinh sống khác nhau, có bạn đã đạt những đỉnh điểm ước mơ (Phó Ban Trung ương, Trưởng ban thành phố, đại tá, trung tá, Vụ trưởng, Thứ trưởng). Có bạn khiêm tốn hơn: giáo viên, bác sỹ, làm báo, viết văn... nhưng gặp lại nhau đây vẫn cười như phá, cảm thấy y nguyên “tớ cậu” của cái tuổi 16, 17 dưới mái trường năm xưa.

Chúng ta nguyện mãi mãi xứng đáng với trường Bưởi thân yêu, với công lao dạy dỗ khó nhọc của các thầy, với truyền thống cách mạng của trường, của các bậc đàn anh đi trước...

Các Thầy cũ đang ở nơi đâu?

Người còn, người mất áng mây trôi...

Vời vợi ơn Thầy công dạy dỗ

Chúng con bao đứa đã nên người...

 

Tỉnh say say tỉnh chuyện bâng khuâng

Êm xanh ngày cũ nắng tươi hồng

Tinh khôi giấy trắng hồn trinh trắng

Những đứa trò ngoan dưới mái trường.

 

Hồi ký “Xanh xanh thuở ấy”

Băng Hồ

 

 



(1) Hiệu trưởng

(2) Giám thị

(3) Lý - Hóa

(4) Lịch sử

(5) Địa lý

(6) Chữ Hán

(7) Thầy dạy Thể dục - Thể thao

(8) Hỡi những người con yêu của Tổ quốc

(9) Ngài Thống chế đó trước chúng ta - vị cứu tinh của nước Pháp

(10) Phần thưởng vinh dự, Phần thưởng tuyệt diệu

(11) Xin lỗi

(12) Bước nhún nhảy như một con chim sẻ

(13) Đêm Trung Hoa

(14) Trường Trung học Bảo hộ

(15) Đồ hèn hạ con lợn

 

Tạo bởi admin
Cập nhật 07-12-2006 hết hạn
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Đặng Trần Phong
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin